Đã có lịch khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển AAE-1
Cáp biển AAE-1 sẽ được sửa xong vào giữa tháng 11
Thông tin với ICTnews, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, lịch khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển Asia Africa Europe 1 (AAE-1) đã được đơn vị quản lý tuyến cáp này thông tin đến các nhà mạng tại Việt Nam.
Dự kiến 2 lỗi trên nhánh cáp S1H của tuyến AAE-1 bắt đầu được sửa từ 2/11 và dự kiến hoàn thành vào ngày 14/11.
AAE-1 là tuyến cáp biển được đưa vào khai thác từ tháng 7/2017, có vai trò nâng cao chất lượng hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi HongKong (Trung Quốc), Singapore.
Vào các ngày 4/9 và 7/9, tuyến cáp lần lượt bị lỗi trên 2 đoạn cùng trên nhánh cáp S1H- đoạn trục giữa Campuchia và Thái Lan. Sự cố đã gây gián đoạn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi Singapore và châu Âu trên tuyến cáp.
Đây là lần thứ hai trong năm nay tuyến cáp AAE-1 gặp sự cố. AAE-1 gặp sự cố lần đầu trong năm 2021 vào ngày 25/5 do đứt một phần sợi quang trên phân đoạn S1H.1 và đến ngày 12/7 sự cố được khắc phục xong.
Cũng trong thông tin mới chia sẻ với ICTnews, đại diện ISP cho biết thêm, nguyên nhân sự cố xảy ra vào các ngày 4/9 và 7/9 trên nhánh S1H của tuyến cáp AAE-1 được xác định là do lỗi rò nguồn trên 2 phân đoạn S1H.3 và S1H.4.
Trong khi đó, một tuyến cáp biển khác là Asia America Gateway (AAG) vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn do lỗi phát sinh vào ngày 11/8 trên nhánh S1B từ Hong Kong đi Singapore của tuyến cáp chưa được khắc phục, vì thế dung lượng AAG Việt Nam-Singapore tiếp tục bị mất. Dự kiến, tuyến cáp AAG được sửa chữa xong vào ngày 26/9, khi đó các kênh truyền trên tuyến sẽ được khôi phục hoàn toàn.
Sự cố trên 2 tuyến cáp biển AAG và AAE-1 dự kiến sẽ lần lượt được khắc phục xong vào 26/9 và 14/11. (Ảnh minh họa) |
Nhận định về việc 2 tuyến cáp cáp biển AAG, AAE-1 đang cùng gặp sự cố, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho biết, không ít lần Việt Nam gặp tình trạng 2 tuyến cáp biển cùng bị sự cố, do đó các nhà mạng hoàn toàn không lúng túng với việc ứng phó.
Tuy nhiên, lần này sự cố xảy ra đúng thời điểm đầu năm học mới, nhiều trường đồng loạt học trực tuyến đã khiến nhu cầu tăng vọt. Một số nơi phản ánh việc dạy, học trực tuyến bị ảnh hưởng do chất lượng mạng không đảm bảo, đặc biệt khi phần lớn lưu lượng phải chạy ra nước ngoài do nhiều trường dùng Zoom.
Theo ông Bình, các nhà mạng sớm phát hiện ra vấn đề và điều chỉnh kịp thời, từ việc mở dung lượng bù sự cố và bổ sung, cũng như linh hoạt ưu tiên chất lượng dịch vụ trong khung thời gian học trực tuyến.
“Chúng ta biết rằng học trực tuyến là ứng dụng thời gian thực, nên đòi hỏi chất lượng mạng ở mức cao và ổn định. Đây cũng là dịp để các nhà mạng quan tâm đến việc tối ưu chất lượng dịch vụ, hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt động học tập, kinh tế, xã hội trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch”, ông Bình chia sẻ.
Về thời gian sửa chữa cáp biển, đại diện VIA thông tin thêm, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ khắc phục sự cố như xác định nguyên nhân, địa điểm xảy ra sự cố, thời tiết, chờ tàu, xin giấy phép vào khu vực cáp cần sửa chữa… Do vậy, các sự cố cáp biển thường được xử lý trong vòng một vài tuần hoặc có thể kéo dài hơn.
Nhà mạng cấp tập bổ sung dung lượng, định tuyến ưu tiên các nền tảng học online
Ngay sau khi AAE-1 cũng gặp sự cố, các nhà mạng đã triển khai các quy trình ứng cứu, bổ sung dung lượng. Đơn cử như CMC chuyển sang các hướng cáp khác, gồm cả hướng cáp xuyên Đông Nam Á (A-Grid), kết nối Internet từ Việt Nam qua các quốc gia Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Với NetNam, do phần lớn khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp, khi giãn cách thì nhu cầu truy cập từ nhà vào mạng của khách hàng (qua VPN) tăng lên nên đơn vị không gặp nhiều áp lực về băng thông quốc tế. Mặt khác, các tuyến cáp biển chính mà NetNam sử dụng không bị sự cố, do đó đơn vị ít bị ảnh hưởng về chất lượng dịch vụ giai đoạn này, khi AAE-1 và AAG bị gián đoạn.
Đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến, làm việc từ xa, các nhà mạng đã đặt ưu tiên truy cập với những nền tảng truyền hình hội nghị. (Ảnh minh họa) |
Cùng với việc điều chuyển lưu lượng qua các tuyến cáp đất liền và cáp biển khác như IA, APG, AAE-1 hướng Hong Kong…, để khắc phục tình trạng khó khăn trong truy cập do ảnh hưởng của sự cố cáp biển cũng như sự gia tăng nhu cầu Internet, Viettel đã mở rộng dung lượng, tối ưu các hướng truy cập, ưu tiên kết nối nhằm đảm bảo lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp dịch vụ học trực tuyến.
Tương tự, VNPT đã tăng cường kết nối đảm bảo lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp hệ thống truyền hình trực tuyến như Microsoft Team, Google Meet, Zoom... Song song đó, nhà mạng tiến hành đấu nối ứng cứu khẩn đến các hướng nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến và tiếp tục lên kế hoạch đấu nối tăng cường mở rộng cáp biển từ nay đến cuối năm 2021.
Thông tin với ICTnews về biện pháp hỗ trợ học tập trực tuyến, làm việc online, đại diện FPT Telecom cho biết, từ đầu năm đến nay, nhà mạng đã tăng băng thông cho toàn bộ người dùng trong 2 đợt tháng 5 và tháng 8. Cùng với đó, FPT đặt ưu tiên truy cập với các nền tảng học, làm việc trực tuyến thông dụng như Zoom, Google Meet, Webex…
Lời kết, bạn muốn Router Wifi của bạn tận dụng được tối đa đường truyền tại nhà thì tìm hiểu thêm về các giải pháp công nghệ thông tin linh hoạt của Wifi Aruba tại Aruba Việt Nam.